Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ Quang Khải xuất thần với vai Hồ Quý Ly trên sân khấu cải lương

Thứ Tư 03/07/2019 | 13:09 GMT+7

VHO-Chỉ với 15 phút xuất hiện trên sân khấu cải lương với vai diễn Hồ Quý Ly trong vở Vì sao lạc xứ của Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Quang Khải đã lấy trọn tình cảm yêu quý của khán giả và đồng nghiệp. Vai diễn Hồ Quý Ly chỉ là một vai thứ chính trong vở Vì sao lạc xứ (tác giả Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên), tuy nhiên lại là một vai diễn vô cùng quan trọng được ê kíp sáng tạo gửi gắm để thể hiện giá trị tư tưởng về nội dung của tác phẩm này.

Vai diễn Hồ Quý Ly đánh dấu sự trưởng thành trong nghề của nghệ sĩ Quang Khải với một cách diễn rất hiện đại, mang chiều sâu tâm lý

Nhân vật trung tâm của Vì sao lạc xứ Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly), một nhà chính trị, quân sự, người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam. Ông làm tể tướng triều Hồ, có nhiều đóng góp về khoa học quân sự và là chỉ huy chính của quân đội trong kháng chiến chống Minh (1406 – 1407). Lịch sử ghi nhận ông là người đã phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá mạnh. Sau đó, cha con Hồ Quý Ly đã bị nhà Minh bắt sang phương Bắc. Giai đoạn mà Vì sao lạc xứ khai thác chính ở thời điểm lịch sử mà cha con Hồ Quý Ly ở phương Bắc. Ngay việc lựa chọn xây dựng nhân vật và giai đoạn lịch sử đã là một thử nghiệm của ê kíp sáng tạo bởi sách sử ghi lại giai đoạn lưu lạc của cha con Hồ Quý Ly ở Phương Bắc chỉ có vài dòng. Ê kíp sáng tạo đã thành công khi dựa trên các tư liệu lịch sử để khắc họa sâu hơn về nhân vật lịch sử này với mong muốn lý giải tâm tư, tình cảm của cha con Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng dẫu ở phương Bắc thì trong tâm tư, tình cảm của họ vẫn luôn hướng về quê hương, vẫn luôn cháy bỏng một tình yêu hướng về nguồn cội. 

Lớp diễn của hai nghệ sĩ Quang Khải và Văn Đáng được đánh giá là thành công nhất

Đã có những giọt nước mắt  của khán giả rơi xuống khi chứng kiến cảnh Hồ Quý Ly (nghệ sĩ Quang Khải thể hiện) đã tìm tới cái chết tránh cho con trai Hồ Nguyên Trừng (nghệ sĩ Văn Đáng) không bị quân giặc uy hiếp. Lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc còn được hiển hiện trong sự trăn trở trong nội tâm của Hồ Nguyên Trừng khi bị giam lỏng, bị đe dọa. Hồ Nguyên Trừng và cha là Hồ Quý Ly đã bị nhà Minh bắt về phương Bắc, dùng đủ mọi thủ đoạn để khai thác bí quyết chế tạo súng và thuốc nổ của Hồ Nguyên Trừng  như đe dọa giết cha ông là Hồ Quý Ly, dùng mỹ nhân kế với Hồ Nguyên Trừng cho tới cả những trận đòn roi... Khó có ai có thể tưởng tượng nam nghệ sĩ Quang Khải ở ngoài đầy trẻ trung, hiện đại lại vào vai nhân vật Hồ Quý Ly khi về già đạt đến vậy. Điều đáng nói là đằng sau cái dáng vẻ lụ khụ, gương mặt hóa trang già nua khắc khổ thì cái thần, cái khí phách của một vị vua vẫn toát lên vẻ uy nghi, lẫm liệt. Đằm sâu hơn trong bản ca vọng cổ và lối diễn nhấn mạnh về tâm lý nhân vật đã khiến Quang Khải cùng các đồng nghiệp của anh như Văn Đáng (vai Hồ Nguyên Trừng), Minh Nguyệt (vai Vân Khanh)... đã mang lại cho sân khấu cải lương một phong cách diễn rất hiện đại và tạo nhiều cảm xúc cho khán giả. Đặc biệt, 15 phút xuất hiện của Quang Khải trong vai Hồ Quý Ly cùng sự tung hứng nhịp nhàng của nghệ sĩ Văn Đáng với vai Hồ Nguyên Trừng là một lớp diễn có thể nói là thăng hoa của các nghệ sĩ.

Vì sao lạc xứ do các nghệ sĩ thuộc Đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Cải lương thể hiện. Điều thú vị là việc thử nghiệm lần này được thử ngay từ việc lựa chọn diễn viên, có tới 6 gương mặt diễn viên trẻ  vừa hoàn thành lớp đào tạo trung cấp cải lương của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội  được hơn 1 năm đã được đạo diễn giao vai trong vở. Minh Nguyệt là một trong 6 gương mặt trẻ ấy đã được giao vai Vân Khanh, một người mà nhà Minh dùng để làm chiêu mỹ nhân kế nhằm lung lạc Hồ Nguyên Trừng.  Việc gánh một vai diễn với  nhiều tầng tâm lý và nhiều thay đổi trong tính cách như Vân Khanh là một thử thách nặng nề đối với Minh Nguyệt. Nhưng bằng chất giọng khá truyền cảm, bằng gương mặt đẹp và rất lý tưởng cho đào cải lương, Minh Nguyệt đã vượt qua cửa ải khó khăn và chinh phục khán giả.

Đã nhìn thấy nhiều yếu tố thử nghiệm từ dàn dựng sân khấu cho tới phong cách diễn của nghệ sĩ

Đã nhìn thấy sự thể nghiệm từ tư duy dàn dựng cho tới thiết kế sân khấu, âm nhạc , xử lý các màn múa... Ngay những cách chuyển cảnh giữa các màn cũng tạo được ấn tượng mạnh với khán giả bởi cách xử lý khá tinh tế của ê kíp sáng tạo. Khán giả khi xem Vì sao lạc xứ không bị mất đi những phút cảm nhận bởi những phút chuyển cảnh. Đạo diễn đã chia những lát cắt trên sân khấu và tạo thành nhiều không gian đặc biệt là một tầng không gian sân khấu mới xuất hiện nổi lên những hình ảnh như cha con Hồ Nguyên Trừng lầm lũi bị biệt giam, Hồ Nguyên Trừng bê tro cốt của cha mình trên đường... Tất cả đều gợi lên những cảm xúc thương cảm bởi số phận nghiệt ngã của những anh hùng thất thế, không được thỏa chí với nước, với dân. Việc để cho Hồ Nguyên Trừng nửa điên, nửa tỉnh sống lay lắt những năm tháng cuối đời cũng là một cách nhìn nhân ái để cho ông vượt qua bi kịch dằn vặt của một nhân tài bắt buộc phải lưu lạc xứ người.

Khán giả đến xem chật kín rạp 

Rất nhiều những tràng pháo tay rộ lên trao tặng cho Quang Khải, Văn Đáng, Vân Khanh, Mộc Quỳnh...ở nhiều cảnh diễn. Có thể nói các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những nỗ lực vượt lên chính mình từ người dàn dựng cho tới diễn viên. Không hề có sự dễ dãi trong dàn dựng, không chạy theo những cảm xúc bi lụy, ỉ eo, Vì sao lạc xứ tạo được sự xúc động đối với người xem và khiến họ bị hút theo một lối thể hiện chân thật, mộc mạc và cũng vô cùng hấp dẫn từ dàn dựng, trang trí thiết kế, âm nhạc cho tới diễn xuất của các nghệ sĩ. Trong thời buổi sân khấu truyền thống đang thưa vắng khán giả thì đây là một sự nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ cải lương trong việc tìm kiếm con đường tiếp cận người xem. 

LƯƠNG NHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top