Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chuyện chưa kể ở “địa ngục trần gian”

Thứ Tư 24/07/2019 | 11:19 GMT+7

VHO- Sau 44 năm kể từ ngày Côn Đảo giải phóng, có một câu chuyện bây giờ mới được kể lại từ một nữ cựu tù chính trị. Đó là bà Mười Đào, nữ cựu tù có 9 năm nằm ở biệt giam chuồng cọp và bị địch tra tấn dã man hàng ngàn lần những chỗ kín nhất của cơ thể người.

 Hệ thống “chuồng cọp”

Để rõ hơn về những trận đòn roi mà bọn cai tù Côn Đảo đã tra tấn các nữ tù chính trị 44 năm trước, tôi “vượt” 127 km từ Vũng Tàu đến quận Phú Nhuận xin gặp nữ cựu tù quê gốc Phú Yên kiên cường gan dạ.

Những trận đòn thù vào nơi “ác hiểm”

Ngôi nhà chung ngõ nằm sâu hút ở cuối chợ Lê Tự Tài phường 4. Dáng cụ bà mảnh khảnh ra mở cánh cổng sắt. Bà hỏi “Ai đây? Có chuyện chi không cháu?”. “Thưa dì, cháu là nhà báo Quân đội, cháu từ Vũng Tàu lên đây xin thỉnh chuyện dì. Dì phải là Mười Đào, thương binh nữ cựu tù Côn Đảo không ạ?”. Bà cụ nhìn tôi rồi bảo “phải”. Cánh cửa mở hé rộng thêm, tôi theo bà vào căn nhà nằm sâu cuối hẻm.

Trong căn nhà đơn sơ chừng 20 mét vuông nhưng có đến 2/3 diện tích trên các mảng tường dành để treo, trưng bày giấy khen, bằng khen và các di vật đem về từ Côn Đảo có liên quan đến những trận tra tấn man rợ. “Con nhìn đi, tất cả tuổi trẻ và cuộc đời của dì đọng lại là những tấm ảnh và ký ức này. 9 năm bị bắt tù đầy ngoài Côn Lôn (tên Côn Đảo trước năm 1975-PV), dì không nhớ bao lần bị chúng đánh đập dã man, nhưng lần nào cũng tra tấn chỗ hiểm, ác, nhưng dì nhất khoát không khai”, bà Mười bắt đầu hồi tưởng lại.

Đầu năm 1962, bà Mười lúc đó là nữ biệt động Thành Sài Gòn hoạt động trong “Cánh 159”. Trong một lần cùng sinh viên xuống đường biểu tình chống chế độ Mỹ ngụy Sài Gòn, bà bị địch bắt đem bỏ tù ở Khám Chí Hòa. Tại đây, địch dùng cực hình tra tấn dã man như đổ nước xà phòng vào bụng, dùng điện dí vào đầu vú, vào bộ phận sinh dục hòng moi thông tin song bà một mực không khai. Sau gần 3 năm không “moi” được gì từ “cái con Việt cộng cứng cổ”, bọn địch đưa bà ra Côn Đảo tù đầy. “Trước khi nó giục dì xuống tàu, nó trói dì vào cây cột trên boong tàu và bảo “mày phải hát quốc ca Mỹ. Tao nói thế nào, mày hát thế ấy”. Dì bảo: “Tao chỉ hát Quốc ca Việt Nam. Tao người Việt Nam, tao đấu tranh cho dân tộc tao thì làm gì có tội. Dì vừa nói dứt lời, một thằng cầm cái dùi cui đập vào đầu dì. Vậy là dì không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì biết mình đã ở nhà tù Côn Đảo”, bà Mười kể lại.

Nghi ngờ bà Mười là cán bộ lãnh đạo thuộc “Cánh 159” Biệt động thành, bọn cai ngục Côn Đảo đã giam ở chuồng cọp. Đây là một nơi biệt giam “độc địa” nhất trong hệthống nhà tù mà suốt 30 năm sau mới bị phát hiện. Tại nơi này, chúng nhốt bà Mười giam ở phòng số 9 - căn phòng dành riêng cho nữ tù chính trị. Không giường, màn, không hố vệsinh. Gọi là “phòng” nhưng thực chất là một khoảnh nhỏ vừa đủ chỗ nằm và đứng dậy. Nhiệt độ ban ngày lên 45 độ C, ban đêm lạnh thấu xương bởi lạnh từ biển Côn Đảo thổi vào. Mặc dù bị còng chân 24/24h, song phía ngoài song sắt những con mắt “cú vọ” của bọn cai ngục luôn “canh chừng”. Phía trên đầu bọn cai ngục cầm lao sẵn sàng “xiên” vào đùi, vào vai người tù bất cứ lúc nào chúng thích. Trong nhiều trận đòn tra tấn dã man, có một trận luôn ám ảnh bà cho đến bây giờ. Đó là lần bọn cai tù kéo bà ra khỏi chuồng cọp trước mặt nhiều phạm tù. Bọn chúng lột hết quần áo rồi dùng diện dí vào “cửa mình” và đầu vú. Bà ngất đi, chúng dội nước, bà tỉnh lại chúng lại dí điện. “Vòng quay tra tấn ấy” suốt gần 4 giờ đồng hồ nhưng bà một mực không khai. “Lúc đó một thằng Mỹ hỏi dì thế này: Nếu không nhầm thì mày đã qua một lớp huấn luyện công an thì phải? Dì trả lời: Mày nói đúng, tao đã kinh qua một lớp huấn luyện công an. Dì trừng mắt nhìn nó. Biết không khai thác được, chúng tra tấn nhiều lần khác nữa nhưng dì nghĩ, làm cách mạng, thà chết cho cách mạng chứ không thể ly khai”, bà Mười kể lại.

Bà Mười chỉ cho tôi xem hàng trăm vết thương tích - “sản phẩm” của những trận tra tấn cực hình. Bà bảo: “Có những vết thương hiểm ác không nói được. Đa phần các nữ tù sau giam cầm ngoài Côn Đảo trở về không lập gia đình, hoặc có lập gia đình cũng không có con, hoặc bệnh tật mà chết. Dì may mắn có một đứa con gái. Ngày nào cũng bị vết thương hành hạ. Nhưng dì biết, dì được sống như ngày nay, hàng ngàn hàng vạn người đã ngã xuống”.

Nữ tù chính trị Mười Đào kể chuyện với phóng viên về những trận đòn thù vào nơi "ác hiểm”

Chuồng cọp và những bí ẩn

“Chuồng cọp” xây dựng năm 1940. Trước khi đưa đến chuồng cọp, cai ngục dẫn người tù đến cửa Trại Phú Tường rồi bịt mắt. Người tù hoàn toàn “vô định” không biết phương hướng và bị giam ở đâu. Trong suốt 30 năm (1940- 1970), chúng nhốt bằng cách đưa người tù vào “chuồng cọp” bằng các đường khác nhau. Tức là khi đưa vào đường này, thì khi đưa ra đường khác hoặc liên tục thay đổi đường đi. Giữa các lối đi là những bức tường cao kín nhỏ hẹp và hình vòng, vuông “bát quái”. Bởi vậy tất cả những người tù trong suốt 30 năm bị tra tấn dã man ở đây mà không hề bị báo chí phát hiện.

“Chuồng cọp” chỉ được phát hiện ngày 30.6.1970. Trước đó, một đoàn nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam nghi ngờ chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ giấu tù nhân một nơi bí ẩn ở Côn Đảo và tra tấn man rợ. Song làm cách nào để biết được “chuồng cọp” trong khi hệthống canh tù cẩn mật bí hiểm?

Chuyện bắt đầu từviệc ba sinh viên Sài Gòn kể lại họ nghi ngờ có một nơi bí mật giam cầm người tù 30 năm mà không ai biết sau một lần “mục sở thị” “địa ngục trần gian”. Ba sinh viên đã vẽ lại “bản đồ” đường vào “chuồng cọp” và tố cáo trên báo chí Mỹ. Ngay lập tức, ông Harkin và Luce (Trưởng đoàn Nghị sĩ Mỹ) đã ra Côn Đảo để tìm hiểu. Tại đây được chúa đảo lúc đó là Nguyễn Văn Vệ đón tiếp rất nhiệt tình. Hắn khoe khoang việc đối đãi tử tế với những người tù và tặng đoàn “những thực phẩm của người tù làm ra”. Đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chúa đảo Vệ dẫn đoàn thăm hệ thống giam cầm tù nhân, nhưng đi mãi vẫn chưa thấy “chuồng cọp”. Đúng lúc đó, chúa đảo Vệnói: “Gần hết giờ, xin mời đoàn về sớm nghỉ ngơi”, song Tom Harkin gạt đi: “Chúng ta thăm một trại giam nữa”.

Bị “ép”, buộc chúa đảo Vệ phải đưa đoàn nghị sĩ đến Trại giam Phú Tường. Cánh cổng trại giam Phú Tường mở ra, nhưng đi lối nào khi trước mặt là bức tường cao chót vót, giữa là hai lối rẽ. Bỗng nhiên một người trong đoàn nói: “Chúa đảo bảo tù nhân trồng rau, vậy vườn rau chỗ nào”? Chúa đảo Vệ khoe khoang “tù nhân trồng rất tốt” và “bất đắc dĩ” dẫn đoàn đến thăm. Đó là một khoảng trống với những luống rau mới trồng. Tom Harkin hỏi: “Đây là rau gì”? “Đây là muống”, chúa đảo trả lời. Ai ngờ một thành viên trong đoàn nói ngay “đây là rau lang” (ngọn khoai lang). Người này cúi xuống hái thử, thì đó là những ngọn rau khoai lang vừa được cắm xuống để đánh lừa đoàn nghị sĩ.

Vẫn chưa thấy “chuồng cọp”, Tom Harkin chỉ vào cánh cửa sắt im ỉm đóng hỏi: “Cánh cửa này đi đâu”? Lúc này chúa đảo Vệ bắt đầu lo sợ nhưng hắn vẫn trấn tĩnh: “Trong này không có gì, từ lâu không ai mở và không có chìa khóa”. Nghi ngờ đây là “chuồng cọp”, Tom Harkin yêu cầu mở cửa, song chúa đảo Vệ cứ dối quanh. Lúc sau Vệ “nổi khùng”: “Đã nói là sau cánh cửa đó không có gì, nó cũng chỉ là vườn rau”. Trong lúc “dồn ép” hành động, ông ta cầm đầu gậy ba toong đập mạnh vào cánh cửa quát lớn “Không có gì trong đó hết”. Ai dè đó chính là “tín hiệu mở cửa” hằng ngày của ông ta mỗi lần kiểm tra và tra tấn các người tù. “Kẹt… kẹt”, cánh cửa sắt được mở ra từ một cai tù. Trước đoàn nghị sĩ là một dãy “chuồng cọp” với những người tù bị cùm kẹp, đánh đập dã man trong các “chuồng cọp nhỏ”.

Những ngày này có hàng trăm ngàn người đến Côn Đảo, mỗi người đến có một công việc riêng, song không ai không thăm “địa ngục trần gian”. Một mặt để tìm đến nguồn cội của đức hy sinh vì Tổ quốc, một mặt để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế kỷ 20. Chúng tôi hòa vào dòng người đến “địa ngục trần gian” trong niềm tâm linh xúc động ấy. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top