Diện mạo mới của sân khấu sử Việt

VHO - Kịch lịch sử có những hạn chế trong sáng tạo nghệ thuật bởi vừa phải tôn trọng sự thật lịch sử, vừa đáp ứng thị hiếu với diễn xuất phù hợp đời sống đương đại, chưa kể đến rào cản hư cấu. Mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, vấn đề này đã được đặt ra sau khi giới chuyên môn xem vở Tình sử Thăng Long tại Nhà hát Bến Thành. Dù nỗ lực lớn, nhưng thực sự bài toán nan giải là để sàn diễn sử Việt sáng đèn thì phải cần những “ngôi sao lớn” mới có thể thu hút người xem…

Diện mạo mới của sân khấu sử Việt - Anh 1

Các nghệ sĩ sân khấu kịch Hồng Vân trong vở kịch sử Việt “Tình sử Thăng Long”

 Nỗ lực tìm kiếm tài năng trẻ

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát kịch IDECAF đã gấp rút triển khai cho kịp tiến độ công diễn vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) dự kiến vào cuối tháng 3.2024. Ông có đến xem vở Tình sử Thăng Long của “bà bầu” Hồng Vân để đúc kết kinh nghiệm và nhận định đó là tín hiệu vui khi kịch sử Việt rộ lên trong năm 2024, đồng thời cũng trăn trở với kỳ vọng tìm kiếm một đội ngũ diễn viên đủ sức thể hiện với bản lĩnh tỏa sáng của ngôi sao.

Ra mắt tháng 3.2024 theo kế hoạch của Nhà hát kịch IDECAF còn có các vở: Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) và Nữ đại đế Mê Linh theo thể loại cải lương, kịch hát dân tộc Nam Bộ của tác giả Vũ Minh - Bạch Long. “Nếu dàn dựng kịch sử Việt chỉ để đi thi thì đó là một thực tế buồn cho sàn diễn, khi tham dự ở các liên hoan, hội diễn, những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử luôn được “ưu ái lựa chọn”, nhưng sau đó lại chịu chung cảnh ngộ… cất kho. Nỗ lực của chúng tôi là làm sao để sàn diễn sử Việt có một đội ngũ giỏi nghề, hướng họ đến vị thế một ngôi sao trong tương lai. Muốn vậy thì phải đầu tư từ bây giờ”, ông bầu Hoàng Anh Tuấn nói.

NSND Hồng Vân cũng khẳng định, phải “lội ngược dòng”, chịu nhiều áp lực để dựng kịch sử Việt và phải có một ê kíp dàn bao vững để giúp các bạn trẻ thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Vừa qua, Sân khấu kịch Hồng Vân đã nỗ lực đẩy các vai hay cho dàn diễn viên trẻ như: Hoàng Yến, Minh Luân, Hiếu Nguyễn, Hoàng Trung Anh, Khôi Nguyên… để từ bước đệm này, các em sẽ ý thức rõ hơn trọng trách rèn nghề qua các vai diễn quan trọng trong một tác phẩm sử Việt. “Quả nhiên, sau hai suất diễn, ý thức đó được tăng lên và nhận thấy có sự nhiệt huyết từ nỗ lực của các em. Tôi rất mừng vì trên sàn tập các em đã đúc kết nhiều kinh nghiệm để thăng hoa và yêu dòng kịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước qua mỗi vai diễn”, NSND Hồng Vân nhấn mạnh.

Với NSƯT Kim Tử Long, nhận lời tham gia với vai trò cố vấn nghệ thuật và diễn vai Nguyễn Huệ trong vở Tình sử Thăng Long chính là cách ông, NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Hoàng Sơn dốc hết tâm trí để đào tạo thế hệ kế cận. “Tôi cho rằng nếu không đầu tư ngay từ bây giờ thì sẽ hụt mất cơ hội diễn vai khó, vai quan trọng trong kịch sử Việt của các bạn trẻ. Kịch bản sử thực sự rất khó làm, cách diễn xuất đòi hỏi phải đào sâu độ tinh tế, có độ khái quát cao về tính sử trong dòng chảy của quá khứ”, NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.

Giới chuyên môn đặt vấn đề, phải chăng lựa chọn kịch bản lịch sử là giữ độ an toàn để sàn diễn sáng đèn. NSND Hồng Vân cho rằng, các nhà đầu tư đều ngại dựng kịch sử vì chi phí rất tốn kém, các nhân vật tưởng như đã được khai thác đến cạn kiệt trên các sân khấu từ hát bội, chèo, cải lương, kịch, thì thời điểm hiện tại dàn dựng sử Việt công phu gấp nhiều lần. Ngay cả kịch bản Tình sử Thăng Long cũng phải gia cố công phu mới có thể đưa lên sàn tập và công diễn.

Diện mạo mới của sân khấu sử Việt - Anh 2

Chặt chẽ, đầy nội lực và chọn đúng diễn viên

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, dấu ấn dàn dựng chắc tay của kịch sử Việt đòi hỏi ba yếu tố: Chặt chẽ, nội lực và chọn đúng diễn viên.

Trên thực tế, nhân vật Trần Thủ Độ đã có nhiều nghệ sĩ xuất sắc đủ các bộ môn kịch, chèo, cải lương, dân ca kịch đảm nhận nên với chọn vở diễn nói về nhân vật này là một sự liều lĩnh đối với Nhà hát kịch IDECAF. “Tôi chọn Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng của tác giả Lê Chí Trung và đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt là để tạo góc nhìn mới về nhân vật sử qua cách dựng trẻ trung, đồng thời tạo đà phát huy sáng tạo cho dàn diễn viên trẻ của thương hiệu IDECAF như: Đình Toàn, Đại Nghĩa, Quang Thảo, Phi Nga, Hồng Ánh… Cũng như vở Nữ Đại đế Mê Linh theo thể loại cải lương, kịch hát dân tộc Nam Bộ của tác giả Vũ Minh - Bạch Long sẽ là cơ hội để dàn diễn viên trẻ thể hiện nhân vật Hai Bà Trưng, với góc nhìn sử Việt”, ông bầu Tuấn bộc bạch.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn nhận định, dàn diễn viên hiện nay rất chuyên nghiệp, chuẩn mực bên cạnh sự trợ giúp của cảnh trí đẹp, âm nhạc, phục trang, kỹ thuật công nghệ để hỗ trợ cho diễn xuất. “Phục trang đẹp mà không lấp lánh kim sa kim tuyến là yếu tố quan trọng khi diễn viên khoác lên mình những bộ đồ thể hiện cá tính và niên đại mà vở diễn đề cập. Với sự đầu tư cả về sức người, kinh phí, diễn viên trẻ muốn thành “sao” qua các vở sử Việt cần tham gia các lớp tập huấn, để các nhà nghiên cứu, đạo diễn, tác giả chỉ dạy về cách hóa thân vào số phận nhân vật. Đây là sự liên kết cần và đủ để kịch sử Việt có thể đứng được. Cần lắm sự tiếp sức của Hội Sân khấu TP.HCM với các sàn diễn xã hội hóa hiện nay”, NSND Trần Minh Ngọc nói.

Đạo diễn Lê Quý Dương cũng nhận định, điều khó nhất khi làm kịch sử là phải có góc nhìn đương đại. Hư cấu nhưng không được xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo. Quan trọng hơn là diễn xuất của diễn viên thể hiện rõ những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử để khán giả đón nhận, cảm thụ.

Trên thực tế, các đơn vị chỉ thường dựng vở sử mỗi dịp lễ hội, liên hoan vì liên quan vấn đề đầu tư vốn. Cần cơ chế đặc thù để giúp các sân khấu kịch thuê rạp với giá ưu đãi so với các vở giải trí, đồng thời khâu kịch bản, trang phục, âm nhạc, thiết kế tốn gấp 3-4 lần so với dựng một vở đề tài hiện đại, nên rất cần sự linh hoạt để kéo khán giả đến xem thông qua giảm giá vé.

Làm sao để các vở kịch sử Việt có giá trị nhân văn sẽ đến được với đông đảo khán giả, nhất là thế hệ trẻ để giúp cộng đồng hiểu sâu sắc hơn, tinh tế hơn lịch sử nước nhà là điều mà các nhà sản xuất canh cánh bên lòng. Bên cạnh đó, tạo lực hút cho dàn diễn viên để họ thật sự là ngôi sao quả là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng cũng đầy hấp lực đối với các sân khấu xã hội hóa. Làm được điều này, họ cần sự trợ lực rất lớn của các cơ quan chức năng, để sàn diễn năm 2024 khắc họa được một diện mạo mới của sân khấu sử Việt trong bối cảnh của cuộc sống hôm nay.

THANH HIỆP

Ý kiến bạn đọc