Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trong lúc “sóng gió”, rất cần sự chia sẻ từ nhiều phía

Thứ Hai 10/08/2020 | 11:20 GMT+7

VHO- Hiện doanh nghiệp du lịch rơi vào cảnh “kiệt sức”, và có thể dẫn đến đổ vỡ hàng loạt trong thời gian tới. Đây là điều khó tránh khỏi, bởi vậy cần có ngay những chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài để “cứu” doanh nghiệp, chuẩn bị cho đợt khôi phục mới.

 Hội nghị trực tuyến đầu tiên do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch

Những đề nghị trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” do Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức vào cuối tuần qua, thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng doanh nghiệp.

Bắt tay giải quyết khủng hoảng

Có thể nói, đợt dịch lần này bùng phát được ví như một “cơn bão” cuốn phăng những nỗ lực hồi phục của ngành Du lịch trong suốt 3 tháng qua. Từ ngày 25.7, ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên ở Đà Nẵng sau 99 ngày dịch tạm lắng đã gây nên cuộc giải tỏa du khách nhanh nhất từ trước tới nay. Khi dịch lan sang một số địa phương khác kéo theo tâm lý e ngại, khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour, hủy dịch vụ du lịch ngay cả khu vực chưa có dịch.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho biết: “Hết tháng 8.2020, tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98 - 100% ở hầu hết các địa phương. Lượng tour hủy của Hà Nội 32.000 lượt, TP.HCM hủy 35.000 lượt, hầu hết các doanh nghiệp có đoàn khách lớn nhỏ đều bị hủy, gây ra thiệt hại lớn với doanh nghiệp”. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu hiện có khoảng 28.199 lao động trong ngành Du lịch tạm thời nghỉ việc. “Ở TP.HCM, doanh nghiệp du lịch cũng lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt dịch Covid-19 lần này gây ra, theo đó khối doanh nghiệp lữ hành 90% tạm dừng hoạt động, 10% làm ở nhà hoặc trực tuyến; hầu hết các doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương. Các khách sạn cũng cho nhân viên nghỉ lên tới 80 - 90%”, bà Võ Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, “hàng không và du lịch luôn song hành với nhau. Nếu không có du lịch thì hàng không không thể duy trì được, ngược lại du lịch cũng vậy”. Theo ông Cường, hiện nay nhiều thông tin không chính xác trên mạng xã hội cho rằng không đi tour phải đòi lại tiền, như vậy rất không ổn. Phải có cái nhìn xa hơn mới phát triển tốt, giống như hoạt động ngân hàng, hễ xuất hiện thông tin xấu, khách hàng không cần biết đúng sai ùn ùn đi rút tiền là đổ vỡ hệ thống.

Lo lắng cho sự tồn tại của doanh nghiệp du lịch và những áp lực mà doanh nghiệp đang phải chịu khi lượng hoãn, hủy tour quá nhiều, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam cho rằng, phần lớn doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau đợt dịch đầu, doanh nghiệp đã kiệt quệ, lúc này, khi dịch bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm thế nào để giữ cho số lượng lớn doanh nghiệp này không bị “khai tử” trước khi chúng ta có thể kiểm soát được dịch và phục hồi lại lần nữa. Theo ông Bình, doanh nghiệp lữ hành chỉ là đầu mối, không thể ngay lập tức hoàn tiền hết cho khách hàng mà cần phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có khả năng thanh toán lại cho khách hàng, còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và các khách sạn hiện nay không có khả năng và không còn nguồn tiền.

Cần chính sách kịp thời, thiết thực

Thậm chí nhiều chủ khách sạn đã buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng. Qua đợt kích cầu vừa rồi, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã giảm giá dịch vụ hết mức, giảm không thể thấp hơn và bản thân khách hàng cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, tham gia chương trình kích cầu, doanh nghiệp du lịch mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ chưa kịp thu được lợi nhuận. Do đó, trong lúc “sóng gió” này rất cần có sự chia sẻ thiệt hại từ cả 2 phía, cả người đi du lịch và người làm du lịch. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ giữa doanh nghiệp du lịch với nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn; tăng cường truyền thông cho khách du lịch để họ cảm thông; các doanh nghiệp lữ hành cũng cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách...

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun Group cho biết: “Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan”. Bà Nguyễn Hồng Nga, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 xảy ra lần này Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé; cho phép tiền cọc được bảo lưu đến hết tháng 6.2021. Với vé hoàn cũng đưa ra voucher để mua cho các đoàn khách mới. Sau khi dịch bệnh Covid-19 lần này được kiểm soát, Vietnam Airlines sẽ có kịch bản kích cầu lần 2, vì vậy cần định hướng của TCDL, HHDL Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu du lịch đến năm 2021.

Cho rằng đã đến đây, tất cả đều gặp khó khăn, đều cần được hỗ trợ nhưng ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air khẳng định: Vietjet Air vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành, bảo lưu vé trong 180 ngày và nghiên cứu để thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Nhận định ảnh hưởng của dịch còn kéo dài, để khôi phục hoạt động, hàng không cần thời gian từ 3-5 năm. Ông Phương cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 800 tỉ USD. Dự báo, năm 2021 tiếp tục khó khăn.

Theo ông Vũ Thế Bình, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp đều liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp... của nhà nước, HHDL Việt Nam tiếp tục đề xuất giảm tiền điện, nước, thuê đất cho doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn cần giải trình rõ nguyên nhân vay, từ đó sẽ lập danh sách kiến nghị với Chính phủ, với Ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Lãnh đạo các Sở quản lý du lịch Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đều đề nghị TCDL báo cáo Bộ VHTTDL tiếp tục có ý kiến với Bộ Công thương xem xét quyết định ban hành chính thức biểu giá điện đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất. Đề nghị TCDL có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói hỗ trợ tín dụng các đơn vị, doanh nghiệp có ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hoạt động kinh doanh du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay lại tiền ký quỹ của doanh nghiệp để có thể sử dụng tiền đó trả lương nhân viên, trả nợ doanh nghiệp; gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất.

Bộ VHTTDL xem xét, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong du lịch như giãn thuế, giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế; giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển… Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách, nhất là các nơi chưa có người nhiễm dịch... 

 Sau Hội nghị này, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu với Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay ưu đãi (gói 62.000 tỉ đồng), gia hạn thuế VAT, thuế TNDN, tiền thuê đất…, gim tiền điện cho các cơ sở lưu trú.

(Tổng cục trưởng NGUYỄN TRÙNG KHÁNH)

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top