Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc

VHO - Tuần qua, chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ Khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái) với chủ đề Mẫu linh thiêng - Người văn nhân - Đất bình yên đã diễn ra đầy ấn tượng. Đây là lễ hội đặc sắc, chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo truyền thống, được tổ chức thường niên “xuân thu nhị kỳ” - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái.

Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc - Anh 1
 

 Chương trình khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông 2024 - do Ali Dương Phạm làm tổng biên đạo 

Tại chương trình, các nghệ sĩ, diễn viên đã tái hiện huyền tích Mẫu Đông Cuông và ngôi đền “tối tú anh linh” cùng nhiều ca khúc ca ngợi mùa xuân, ca ngợi quê hương, đất nước đang từng ngày khởi sắc. Tham gia dàn dựng, nghệ sĩ Ali Dương Phạm, Tổng biên đạo chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội cho biết: “Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ kính, thờ phụng các vị thần linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân ta như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Đệ Nhị và các vị thần vệ quốc. Bởi vậy, khi tham gia chương trình, ê kíp thực hiện đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều thông tin về ngôi đền, về các vị Thánh đã giúp dân đánh giặc, trồng trọt, mưu sinh… Bên cạnh yếu tố lịch sử, chúng tôi còn tham khảo kiến thức từ các thanh đồng kỳ cựu và uy tín để dàn dựng chương trình”.

Tìm hiểu kỹ về lịch sử, vùng đất, con người bản địa cũng là “bí quyết” để Ali Dương Phạm thành công khi làm Tổng biên đạo cho những chương trình lễ hội tại nhiều tỉnh, thành thời gian gần đây. Trước đó, anh là Tổng biên đạo cho chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội đền Đồng Cổ (Thanh Hóa), Lễ hội Hoa Tam giác mạch (Hà Giang)…

Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc - Anh 2

Ali Dương Phạm, Tổng biên đạo múa Chương trình Đền Đồng cổ Tây Hồ 

Dương Phạm chia sẻ: “Muốn làm chương trình hay, được công chúng đón nhận, cần truyền tải được cái hay, cái đẹp của văn hóa, thể hiện trong phong tục tập quán, tín ngưỡng… của người dân bản địa. Bởi vậy, khi thực hiện chương trình tại các vùng miền, điều đầu tiên tôi sẽ cảm nhận con người, văn hóa nơi ấy khác biệt ra sao. Việc dàn dựng nghệ thuật trong lễ hội, ngoài sự sáng tạo, còn phải lựa theo bản sắc. Cũng chính vì sự khác biệt, đa dạng như vậy nên tôi càng đào sâu tìm hiểu văn hóa của những nơi đặt chân đến…”.

Vốn là một trẻ mồ côi được đón vào Làng Trẻ em SOS Hà Nội và vượt qua vô vàn khó khăn, định kiến xã hội để theo đuổi đam mê nghệ thuật múa, đạo diễn - biên đạo múa Ali Dương Phạm trải lòng: “Điều thôi thúc tôi đi theo nghề múa, ngoài niềm yêu thích nghệ thuật, còn là đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc, vùng miền. Tôi thấy rằng cần phải phát huy khả năng để góp phần vinh danh văn hóa dân tộc Việt Nam qua các chương trình nghệ thuật. May mắn là ngọn lửa đam mê ấy đã được nhìn nhận và tôi được tin tưởng giao thực hiện nhiều chương trình lễ hội. Các chương trình dàn dựng và biểu diễn được ghi nhận, đánh giá cao là động lực cho tôi thêm yêu nghề và tiếp tục phát triển”.

Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc - Anh 3

Ali Dương Phạm

Nói về những kỷ niệm, Ali Dương Phạm kể: Dù đã được học về nghệ thuật múa của nhiều dân tộc, tuy nhiên, tham gia mỗi chương trình là một lần anh học hỏi, đặc biệt là cách “nhập gia tùy tục”, hòa nhập với văn hóa bản địa. Từng được đứng tên những chương trình lễ hội lớn tại đền Đồng Cổ, đền Mẫu Đông Cuông, đền Hùng… nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong anh là khi tham gia Lễ hội Hoa Tam giác mạch.

“Tôi được giao nhiệm vụ biên đạo khối quần chúng với 120 diễn viên, ngoài nghệ nhân còn có tập thể học sinh nội trú, dân tộc. Các em đều biết tiếng Việt, tiếng Anh, nhưng khi giao tiếp với chúng tôi lại thường dùng tiếng dân tộc. Đó cũng là điều mà chúng tôi phải làm quen. Bên cạnh đó, nghệ nhân vùng cao trong chương trình có 80 người, nhưng tối đầu tiên tới tập luyện chỉ có 3 người, tối thứ hai được 12 người. Tôi nhận ra rằng, mình chưa hòa nhập được với văn hóa của họ, chưa khiến nghệ nhân tin tưởng. Bất ngờ là sau khi dành thời gian trò chuyện, uống rượu cùng đồng bào, mọi người đã hiểu nhau hơn, và đến tối ngày thứ ba, các nghệ nhân đến đầy đủ và chỉ tập 1 giờ là xong. Không chỉ vậy, họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều và khi ra về còn tặng tôi những sản phẩm họ tự làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì học được bài học giá trị: Khi vào bản làng, phải hiểu kỹ văn hóa của đồng bào, phải tinh tế để thực sự đến với họ bằng cả tấm lòng…”, biên đạo múa Dương Phạm kể.

Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc - Anh 4

Người trẻ sáng tạo và giữ gìn bản sắc - Anh 5

Ali Dương Phạm, Tổng biên đạo múa chương trình khai mạc lễ hội đền Hùng 2023

Trong quá trình làm nghề, Dương Phạm càng thấm thía hơn việc tìm hiểu văn hóa và làm việc với nghệ nhân các dân tộc thiểu số. Anh cho biết, từng nghe có nghệ nhân phàn nàn “không phải nghệ sĩ của chúng tôi” khi một số chương trình đã sáng tạo, biến tấu quá đà, khiến người dân cảm thấy đó không phải là các động tác, điệu múa truyền thống của họ.

“Các điệu múa của đồng bào thường xuất phát từ các hoạt động đời sống hằng ngày, thể hiện bản sắc riêng của dân tộc. Nếu nghệ sĩ “phiêu” quá, có thể đi xa so với bản gốc. Dù nghệ thuật múa luôn phải sáng tạo, nhưng cần cố gắng gìn giữ bản sắc nhiều nhất. Ví dụ, biên đạo giữ được 60-70% nguyên bản, còn lại biến tấu không quá 30%. Nếu biến tấu đội hình, thì các động tác cần giữ nguyên vẹn”, nghệ sĩ chia sẻ.

Bởi vậy, trong các chương trình nghệ thuật được giao, Dương Phạm cho biết, anh không quá tập trung dựng mới mà chú trọng bản sắc văn hóa của vùng miền và truyền tải sinh động nhất có thể. “Tôi muốn lưu giữ những gì đơn giản, mộc mạc nhất nhưng cũng là điểm đặc sắc, tinh tế của văn hóa các dân tộc. Đi sâu vào tìm hiểu phong tục tập quán các dân tộc, tôi cũng nhận ra rằng, dù làm biên đạo cũng cần tinh tế trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa, không phạm vào những điều cấm kỵ, không tự ý sáng tạo khi chưa thật hiểu. Bởi sáng tạo là phải gìn giữ được văn hóa, tập quán vùng miền, dân tộc, còn sáng tạo “xóa” văn hóa là sai hoàn toàn”. 

 MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc