Hãng Phim truyện Việt Nam - Thời chưa xa vắng

Hãng Phim truyện Việt Nam - Thời chưa xa vắng

VH- Bài viết này tôi chỉ muốn kể lại thời chưa xa vắng - quả thật là chưa xa mấy của Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN) thôi. Thời bây giờ cổ phần như thế nào thì báo chí đã phản ánh nhiều rồi và mọi người đều biết rồi. Muốn nói về cái thời mình được chứng kiến, được sống và làm việc ở đó tuy có khó khăn nhưng nó đẹp và nó nề nếp như thế nào để những lớp trẻ “sinh sau đẻ muộn” hình dung được cũng là điều hữu ích.

Hãng PTVN (anh em sinh đôi với Hãng phim Giải phóng ở TP.HCM) về hình thái tổ chức hoạt động, nhưng về tuổi tác thì PTVN là anh cả, “anh cả đỏ” được mệnh danh đầy tự hào như thế tính đến nay, trước khi được cổ phần hóa, thì là hơn 50 năm có lẻ rồi.
Sau khi học ĐH Điện ảnh ở Moskva - Liên xô về, mùa hè năm 1987 tôi được GĐ - NSND Hải Ninh tiếp nhận ngay. Ông là một đạo diễn tài năng, một nghệ sĩ mẫn tiệp, một nhà quản lý sắc sảo, tinh tường, rất quý trọng những “tên” có học dù là học trong nước hay nước ngoài. Vì thế đội ngũ Hãng PTVN đa số đều có bằng cấp chuyên môn của nghề điện ảnh. Một mặt bằng tối thiểu để từ đó làm nghề không bị chê là “sai ngữ pháp, sai chính tả” của nghề làm phim. Dù anh là biên kịch, đạo diễn hay quay phim, họa sĩ... thì xuất phát điểm cũng đều phải như thế đã. Sau quá trình làm phim (lao động nghệ thuật) thì tài năng của mỗi người sẽ được bộc lộ dần qua mỗi bộ phim họ làm, họ đóng góp phần chuyên môn của mình.

Hãng Phim truyện Việt Nam - Thời chưa xa vắng - Anh 1

Bên trong Hãng phim truyện VN (chụp 4.2016)


Mô hình quản lý Hãng PTVN giống bản sao thu nhỏ của xưởng Mốt - phim ở Nga. Ta theo hệ thống XHCN thì những gì nhân sao giống họ cũng là lẽ thường tình. Những “mô hình lớn” khác đúng, sai thế nào không dám nói, nhưng mô hình sản xuất phim như ngày đó là mô hình tốt, chuẩn mực và hợp lý cho một ngành nghệ thuật đi đôi với kỹ thuật điện ảnh phối hợp nhịp nhàng cùng nhau. Cho nên ở các nước phát triển, họ gọi là nền công nghiệp điện ảnh cũng chả sai.
Mô hình sản xuất dây chuyền từ kịch bản - đạo diễn - quay phim - họa sĩ thiết kế bối cảnh, họa sĩ phục trang, hoá trang, diễn viên... cho đến khâu hậu kỳ (dựng phim, lồng tiếng, hoà âm, chỉnh mầu, chỉnh ánh sáng...) và cuối cùng là nghiệm thu sản phẩm (bộ phim) trước khi đưa lên cấp trên trình duyệt gọi nôm na là tất cả những gì “bếp núc” cần thiết để ra được một bộ phim do Hãng PTVN đã từng làm được khép kín từ A đến Z. Hãng chủ động hoàn toàn về nhân lực và vật lực nên đồng vốn của Nhà nước cho một phim, “khấu hao” máy móc không phải thuê mướn cũng đỡ được rất nhiều.
Một mô hình hoàn hảo như thế này không phải một sớm một chiều ta xây dựng được. Nó phải mất hàng nửa thế kỷ do hết lớp nghệ sĩ này đến lớp nghệ sĩ khác đầy tâm huyết mới vun đắp được nên. Xây khó, đập bỏ vô cùng dễ nếu nhà quản lý không nắm được đặc thù của nền nghệ thuật điện ảnh là như thế nào.
Một khi kịch bản được thông qua đưa vào sản xuất là cứ theo dây chuyền như thế mà làm. 10 đoàn phim được thành lập chỉ so le nhau về thời gian quay để tận dụng đủ máy và trang thiết bị của Hãng cho đỡ lãng phí. Những năm tháng đó Nhà nước năm nào cũng dành cho một nguồn ngân sách tối thiểu để sản xuất được mười bộ phim đa dạng về đề tài, đa dạng về thể loại. Các nghệ sĩ ganh đua nhau để làm phim cho hay. Xem nhau, học nhau, trao đổi, bàn bạc cùng nhau, không khí nghệ thuật của Hãng những năm chưa xa thật sôi nổi và hào hứng. Dù kinh tế cả nước khó khăn, dân còn ăn thiếu, mặc cũng thiếu nhưng đời sống tinh thần là văn học nghệ thuật thì lại được quan tâm rất nhiều.
Giống như một gia đình nề nếp, trong nhà ăn uống ra sao bên ngoài không thể biết nhưng việc học hành, dạy con hướng thiện, khuyến khích con đọc, xem, thưởng thức văn hoá nghệ thuật lành mạnh, hữu ích là ít khi các bậc phụ huynh ngăn cấm hoặc tiết kiệm. Đồng này dành mua gạo, đồng nọ dành mua sách... đâu ra đấy. Nếu đến một ngày bố mẹ trở nên giàu có nhưng lại chỉ dành tiền cho sự phè phỡn ăn chơi hưởng thụ hay lãng phí tiền của vào những trò vô bổ khác mà sao nhãng đến văn hoá, sách vở , học hành, mở mang kiến thức của con cháu thì nhà đó thật vô phúc. Con cái y rằng coi văn hoá cũng như VHNT chẳng ra gì, chỉ quan tâm đến vật chất mà thôi. Tâm hồn họ trở nên nghèo nàn, chất nhân văn cạn kiệt thì dễ nảy sinh ra cái ác, cái xấu.

Hãng Phim truyện Việt Nam - Thời chưa xa vắng - Anh 2

 Dãy nhà của Hãng phim truyện VN (chụp 4.2016)


Công bằng mà nói, văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng được quan tâm thật hết lòng nên Hãng PTVN đã bảo vệ được truyền thống hoạt động của mình, đã cho ra đời nhiều bộ phim có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật, góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của nền điện ảnh cách mạng mà các thế hệ đi trước đã mất bao tâm sức mới gây dựng được.
Không gian sống cũng như không gian sáng tạo của các nghệ sĩ được tôn trọng, được vun xới là điều đã từng có ở Hãng PTVN.
Hãng PTVN mươi năm nay đang chịu sự chi phối khốc liệt của thời kinh tế thị trường. Nó đang quật quã để trở mình, để thức tỉnh tìm lối thoát. Khi chưa có lối thoát (hướng đi) sáng sủa thì mỗi cán bộ chỉ được hưởng 540.000 đ/tháng cũng là điều đáng buồn đang xảy ra. Và việc đóng, khoá lại cửa chính (điều mà hơn 50 năm các đời Giám đốc không ai được, không ai dám làm thế) để đi cửa phụ phía sau như bây giờ thì cũng là điều không có gì phải ngạc nhiên. Bởi người đứng đầu của Hãng PTVN bây giờ không phải là NSND Hải Ninh thời chưa xa, hoặc chí ít cũng được một phần như ông, ảnh hưởng từ ông. 


Nguyễn Thị Hồng Ngát-ảnh Trần Huấn

Ý kiến bạn đọc