Hồn xuân còn mãi

VHO - Đã bước sang ngày đầu năm mới, nhìn ban thờ gia tiên bày gọn gàng ấm cúng với mâm ngũ quả, đĩa bánh chưng, hộp mứt Tết, chai rượu thơm, cành bích đào cả nụ lẫn hoa với lộc mới nhú như chở hết cảnh giới ngày xuân dâng lên tổ tiên, ông Việt thấy thật ấm lòng. Làn khói hương nhẹ nhàng quyện vào những lễ phẩm như mạch chảy tinh thần hòa quyện từ quá khứ đến hôm nay. Phải chăng đó là hương hồn của truyền thống người Việt?

Ngoài sân ngọn gió nhẹ lay động khóm trúc lao xao, ánh nắng xuân ấm  áp trộn lẫn vào hơi ẩm lạnh sương sớm như mở đầu cho một cuộc sinh sôi mới.  Có tiếng chuông cổng báo nhà có khách  đến thăm. Ngay khi cánh cổng mở là  khuôn mặt người bạn thân thiết mang kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ đã qua, ông  Nam. Ở tuổi chỉ vài năm nữa là bước qua chặng “thất thập” thì cha mẹ đã đi xa,  sư phụ cũng khuất núi, còn lại là những  huynh đệ đồng môn thì đến chúc Tết nhau thế này là hợp lẽ đạo nghĩa rồi, làn gió xuân cũng đưa những mối tâm giao đến với nhau đấy thôi. 

Sau chén trà xuân sớm và lời chúc thiện lành chân thành, ông Việt và ông Nam ngồi nhàn đàm. 

- Tết này các cháu ở xa có về được với hai bác không? - Ông Nam mở lời. - Nhà có ba chị em thì hai cháu cùng gia đình chồng con về ăn Tết với cha mẹ,  còn một cháu ở nước ngoài không về được bác ạ. 

- Quý hóa thế, ngày Tết gia đình ấm cúng quây quần cha con ông cháu.

- Vâng, với gia đình người Việt mình cuộc đoàn tụ vào dịp Tết là một truyền thống do ông cha để lại, nó có ý nghĩa  thiêng liêng và sức sống tinh thần riêng  chứ không chỉ là vui chơi, nghỉ ngơi. Tôi  đưa các cháu ra mộ các cụ và ông bà dọn  dẹp sạch sẽ mời về cùng con cháu chung vui những ngày đầu xuân. Ở nhà ngâm gạo thổi đỗ, ướp thịt để gói chục chiếc bánh chưng chứ không đặt mua, nấu sẵn nồi măng hầm chân giò cho mấy ngày tết cùng với hộp nem cuốn sẵn, hành củ dưa góp tinh tươm. Nhà cửa, bàn ghế phòng thờ dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, bữa cơm tất niên ngày 30 Tết cả nhà cùng chung tay nấu nướng, thắp hương gia tiên và chạm ly tiễn năm cũ qua. Nhưng phải đến khoảnh khắc giao  thừa khi tiếng lục bục vọng lại từ bầu trời với những ánh màu pháo hoa tỏa sáng, những nén hương thắp sáng cho mâm cúng giữa sân nhà với lời khấn “tống  cựu nghinh tân”, khi một thành viên hợp tuổi bước qua cổng nhà để xông đất xong, cả nhà mới nâng chén rượu đầu  tiên của năm mới cùng đón xuân về… 

- Bác Việt giữ nếp gia phong cho con cháu thật vẹn toàn - Ông Nam gật gù vừa nhấp hụm trà thơm vừa nói. 

- Ngày mùng Một thì đi chúc Tết các bậc cao tuổi trong họ hàng để các cháu nhớ đến quan hệ huyết thống mà giữ gìn, cho hiểu câu “Mùng một tết cha,  mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thày”. 

- Gần đây tôi lại thấy nhiều người nghỉ Tết đi du lịch nước ngoài bác ạ - Ông Nam nói vẻ mặt bâng khuâng.

- Vâng cũng tùy hoàn cảnh, điều kiện và nhất là văn hóa mỗi người có quan niệm sống khác nhau. Họ coi trọng cuộc  sống và sở thích bản thân, không ràng  buộc nhiều vào những bổn phận tinh  thần truyền thống mà lại coi đó là sự phiền hà mệt mỏi không cần thiết. Một  năm có 365 ngày đi du lịch lúc nào chả  được, nhưng Tết thì chỉ có một dịp để gia  đình họ hàng đoàn tụ, ôn lại những lời  dặn, nếp sống của ông cha, dòng họ, gặp  gỡ những người họ mạc mà ngày thường bận rộn không có dịp chia sẻ. Nếu bỏ  thói quen nếp sống này đi, tôi sợ rằng con cháu sẽ ngày càng xa cách nhau, sẽ  không còn biết về ông cha nữa. Đấy, cả trong nhà trường đôi lúc đã có ý kiến bỏ  môn học lịch sử là môn bắt buộc đấy  thôi! 

Khoảng yên lặng đầu xuân như lắng  ại những suy tư. Ông Nam và ông Việt  đã trải qua các chặng đường gian truân của đất nước; thời kỳ chiến tranh khó  khăn, năm tháng bao cấp ngột ngạt kiệt quệ, giai đoạn mở cửa ngơ ngác vụng về và giờ đây là những bậc thang trái chiều giữa vật chất với nhân cách, giữa cái có được và cái mất đi. 

Khoảng yên lặng đầu xuân như lắng  lại những suy tư. Ông Nam và ông Việt  đã trải qua các chặng đường gian truân của đất nước; thời kỳ chiến tranh khó  khăn, năm tháng bao cấp ngột ngạt kiệt  quệ, giai đoạn mở cửa ngơ ngác vụng về và giờ đây là những bậc thang trái chiều  giữa vật chất với nhân cách, giữa cái có  được và cái mất đi. 

- Năm cũ 2023 đã qua rồi - Ông Việt  phá tan sự im lặng - Người ta phải nhìn lại và nêu lên hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam, hệ  giá trị con người Việt Nam… Vì sao lại như vậy? chúng ta đang cải thiện nhiều về vật chất, mức thu nhập ngày một nâng dần nhưng kèm theo đó là sự suy  thoái về nếp sống, lối sống, hành vi cư  xử, suy nghĩ, nhất là tệ nạn tham nhũng,  

hối lộ trong bộ máy quản lý xã hội. Đừng tưởng có vật chất là có tất cả, trái lại mất đi rất nhiều điều được tích tụ qua hàng ngàn năm… Gần đây người nhà tôi ở  quê ra khi xuống xe buýt, hỏi thăm nhờ đường đến nhà tôi, quãng đường chỉ cách vài trăm mét, mấy cậu xe ôm đòi  đưa 10.000 đồng bạc mới chỉ cho! Ngày hôm qua, ở nước khác đâu có như thế  này, đồng tiền làm rẻ rúng nhân cách con người quá.

- Vâng chỉ khi nào tụt xuống dốc người ta mới nhìn lên và luyến tiếc điều mình đã có phía trên cao! Chúng ta phải hòa nhập để tiếp nhận những thành tựu tiên tiến của thế giới, nhưng nếu chỉ làm như thế thì đó là sự cộng lại hình thái từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật… Cái hồn cốt của hai  từ Việt Nam cứ nhòa dần đi. Hãy nhìn vào các nước Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc họ vẫn phát triển mà vẫn giữ được bản chất, bản sắc của dân tộc mình, họ không để văn hóa và truyền thống lụi đi, hao mòn trong cuộc sống hiện đại hòa nhập. 

Quả thật, ngày hôm nay cái mới cả tích cực lẫn tiêu cực đang dồn đẩy cái truyền thống hồn hậu, chân chất từng ngày, từng năm. Rất có thể cứ đà này cho đến một ngày, cái truyền thống đạo nghĩa, độ lượng, cộng đồng, nhân văn sẽ được thay bằng cái cá nhân, lạnh lùng, rộng hơn thì văn hóa truyền thống tích tụ lại suốt chặng dài lịch sử dựng nước  và giữ nước sẽ phôi pha đi trong nhịp  sống hiện tại.

Không! trong tâm hồn người Việt cái gì đã có không thể mất đi nếu nhất thời bị khuất lấp là do sự ào ạt của thực tiễn nghèo nàn đòi hỏi người ta phải kiếm  tiền, làm giàu mà sao nhãng lịch sử, một  phần nhân cách. Cũng may mắn, người  ta đã tỉnh ngộ để xác định lại các hệ giá  trị Việt Nam. 

Làn gió xuân tươi mát như cùng chia sẻ câu chuyện của hai người bạn già, như muốn làm hồi sinh những hoài niệm về văn hóa, lịch sử truyền thống  gắn với hai cái tên thiêng liêng của hai  ông ghép lại: Việt Nam. Muốn vậy hãy  bắt đầu từ mỗi gia đình và nên bắt đầu ngay từ mùa xuân như câu “Nhất niên  chi kế tại ư xuân”, kế hoạch một năm bắt  đầu từ mùa xuân

 TRẦN VIỆT TRUNG

Ý kiến bạn đọc