Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thị trường du lịch nội địa: Sẽ khôi phục sớm nhất và nhanh nhất

Thứ Hai 10/02/2020 | 11:46 GMT+7

VHO- Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa bao giờ mùa du lịch lễ hội sau Tết Nguyên đán lại ảm đạm, lạnh lẽo, vắng vẻ như năm nay.

Bến thuyền Tràng An (Ninh Bình) vắng lặng Ảnh chụp ngày 9.2

Nhiều điểm đến an toàn đang được các doanh nghiệp quảng bá, tổ chức tour cho khách du lịch.

Chủ động, bình tĩnh

Còn nhớ năm 2003, du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tăng nặng). Ngành Du lịch nước ta khi đó lao đao, khốn đốn. Khách du lịch đến Việt Nam sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Hiện nay, hoạt động du lịch ở Việt Nam cũng đang bước vào cuộc khủng hoảng mới, cả thị trường nội địa outbound (đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) đều giảm sút trầm trọng.

Với virus corona, số người nhiễm cao hơn nhiều so với số người nhiễm SARS và số người chết cũng cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang kiểm soát, phòng chống dịch tốt, chủ động, bình tĩnh và thông tin đầy đủ. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch HHDL Việt Nam cho rằng: “Sau khi dịch qua đi là thời kỳ phát triển bùng nổ của du lịch. Du lịch vốn là một ngành nhạy cảm với tình trạng thiên tai, chiến tranh, hỏa hoan, dịch bệnh… trên thế giới nên ảnh hưởng du lịch cũng bị ảnh hưởng đầu tiên mà khôi phục du lịch cũng sẽ khôi phục đầu tiên. Du lịch Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS năm 2003, ngay lập tức áp dụng chương trình kích cầu du lịch và có những bước tăng trưởng đột phá sau đó. Thông thường, thị trường nội địa sẽ hồi phục nhanh nhất. Thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm”. Còn theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: “Thời điểm dịch đang diễn ra là khoảng lặng để ngành Du lịch tìm ra cơ hội mới, vượt qua dịch bệnh thì nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng mạnh”.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Dịch bệnh đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh thu có khi bằng 0, trong khi đó nhiều doanh nghiệp “ôm” vé máy bay và phòng khách sạn đang cực kỳ lo lắng về chính sách hoàn hủy, hoàn tiền cọc và lui ngày khởi hành, ngày lưu trú… Hội đã kiến nghị lên Tổng cục Du lịch, HHDL Việt Nam và các Sở Du lịch, Sở VHTTDL về việc hỗ trợ doanh nghiệp các chính sách ưu đãi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và các hướng dẫn thủ tục để giải quyết các hợp đồng, tiền đặt cọc trong trường hợp bất khả kháng. Thời gian này, để hỗ trợ các hội viên, chúng tôi đang mở các chương trình đào tạo kỹ năng đón khách, cập nhật thị trường Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Lào, Campuchia...; cập nhật kiến thức để thi lấy chứng chỉ điều hành tour du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch; hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để đón khách sau dịch”.

Xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc lữ hành Hanoitourist, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng sau các cuộc khủng hoảng, thị trường nội địa sẽ hồi phục sớm nhất và nhanh nhất nên tập trung ngay các giải pháp ưu tiên để thúc đẩy thị trường này. HHDL Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Trong đó, sẽ có các liên minh kích cầu toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng không, khách sạn, vận chuyển, lữ hành, nhà hàng, cơ sở mua sắm lớn… Đồng thời dịch vụ du lịch tham gia kích cầu đều phải có mức giá giảm cụ thể, cam kết việc đảm bảo chất lượng. Những hoạt động du lịch ở các địa phương cũng cần kiểm soát chặt, không “chặt chém”, nâng giá, ép khách, không kỳ thị khách.

Với các doanh nghiệp du lịch, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm đến phù hợp. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch bệnh hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút du khách du lịch nội địa, phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Theo ông Thắng, thậm chí ngay thời điểm này có thể khoanh vùng những nơi an toàn và đưa khách đến bình thường như: Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cũng cho rằng: Ngành Du lịch đừng tự làm cho bức tranh “tối” hơn vì hiện nay có những tỉnh/ thành công suất buồng phòng ở một số nơi rất cao, Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn trên 80%”. Ở Hà Nội, trung tâm du lịch hàng đầu của nước ta, Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải cho biết: “Trong tháng 1 mặc dù khách Trung Quốc và Hàn Quốc tới Hà Nội giảm mạnh, nhưng khách Ấn Độ lại tăng tới 65%, khách châu Âu tăng 25%. Hà Nội dự định tung ra chương trình kích cầu nội địa thì gặp dịch, nhưng chúng tôi sẽ sớm đưa vào thực hiện chương trình này vì nội địa là thị trường rất quan trọng để giúp ngành hồi phục”.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch HHDL Nha Trang (Khánh Hòa) gợi ý ngành Du lịch các địa phương cần phải có các chính sách ưu đãi cho thị trường khách nội địa, cùng với đó là việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi, miễn giảm thuế, phí… cho các doanh nghiệp du lịch. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch tích cực, chủ động xây dựng chương trình kích cầu nội địa để thu hút khách. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top