Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tỏa sáng tinh thần SEA Games 31 (Bài cuối): Cần đầu tư bài bản, khoa học và hệ thống

Thứ Sáu 10/06/2022 | 10:27 GMT+7

VHO- Sau một kỳ SEA Games thành công rực rỡ, câu hỏi đặt ra là ngành thể thao sẽ làm gì để tận dụng cơ hội và bứt phá. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 cho biết, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản, khoa học và hệ thống để dùng SEA Games làm “bệ phóng” cho những đấu trường lớn hơn.

 Ông Trần Đức Phấn

 PV: Thưa ông, điều ông tâm đắc nhất sau một kỳ SEA Games thành công về mọi mặt là gì?

-Ông Trần Đức Phấn: Trong thành công chung của SEA Games 31, điều mà những người làm chuyên môn như chúng tôi cảm thấy phấn khởi, tự hào nhất là sự ủng hộ của nhân dân cả nước. Sự cổ vũ cuồng nhiệt của người dân tại các cuộc thi đấu thể thao không chỉ tạo động lực giúp các VĐV thi đấu tốt hơn mà còn để lại ấn tượng đẹp với truyền thông trong nước và quốc tế. Qua đó cho thấy người dân đã thay đổi nhận thức và ý thức được vai trò quan trọng của thể thao đối với sức khỏe.

Ấn tượng nữa là thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games này, không chỉ ở con số HCV vượt qua kỷ lục của Đoàn Indonesia mà là ở chất lượng của các tấm huy chương từ việc chúng ta tổ chức đa phần là các môn, nội dung thi đấu của Olympic và Asian Games.

Như ông vừa nhận định, người dân đã thay đổi nhận thức qua SEA Games 31. Vậy thì ngành thể thao sẽ tận dụng điều này như thế nào để phát triển phong trào thể thao quần chúng?

- Tôi cho rằng qua việc đến xem, cổ vũ nhiệt tình cho các cuộc thi đấu thể thao tại SEA Games, người dân đã nhận thức sâu sắc được rằng giá trị cốt lỗi của thể thao chính là việc nâng cao sức khỏe, con người mà không có sức khỏe sẽ không thể làm gì được. Một giá trị cốt lõi nữa của thể thao chính là thể thao thành tích cao với những hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa. Từ đó chắc chắn nhiều người sẽ tập luyện tự giác và tích cực hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là ngành thể thao cần phải làm gì để đưa những giá trị cốt lõi đó thành mục tiêu, động lực phát triển để nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Muốn làm được như vậy thì bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, chúng ta phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho người dân. Chẳng hạn ở mỗi cụm dân cư hay trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đều có cơ sở vật chất dành cho thể thao để người dân có thể đá bóng, chơi bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… hay các trang thiết bị tập luyện tại các công viên, vườn hoa công cộng. Với việc giáo dục thể chất tại các nhà trường, chúng ta cũng phải làm sao để trang bị đủ trang thiết bị, dụng cụ tập luyện để khơi dậy niềm đam mê tập luyện thể dục thể thao cho các em từ bậc tiểu học đến cấp đại học. Từ đó giúp các em hình thành thói quen rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ký nhiều chương trình phối hợp với các Bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban dân tộc... Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình phối hợp để nâng cao sức khỏe cho người dân.

Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh sẽ là tiền đề để chúng ta phát triển thể thao thành tích cao.

 Tại SEA Games 31, Việt Nam giành được nhiều HCV từ các môn Olympic Ảnh: TRẦN HUẤN

Thưa ông, vậy thì chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới sẽ như thế nào để có thể tận dụng các cơ hội tốt mà SEA Games 31 đã mang lại?

- Thành tích tại SEA Games 31 cho thấy chúng ta đã gặt hái từ việc đầu tư trọng điểm vào các môn Olympic và đó cũng là kết quả của một quá trình được đầu tư đúng hướng của thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, để SEA Games 31 có thể làm bệ phóng cho các đấu trường lớn hơn thì chúng ta cần phải có sự đầu tư bài bản, khoa học, hệ thống và cần có thêm thời gian

Với đấu trường Asian Games, chúng ta sẽ mất ít thời gian hơn và như tôi đã nói nếu có sự đầu tư bài bản, khoa học và có hệ thống vào những môn, nội dung thế mạnh, đang tiệm cận với huy chương châu lục, chúng ta có thể giành được thành tích cao hơn số lượng 5 chiếc HCV như hiện nay. Đối với đấu trường Olympic, do khoảng cách của chúng ta đến đó còn xa nên chúng ta sẽ cần ít nhất 2-3 chu kỳ Olympic mới có thể đảm bảo được mục tiêu có huy chương.

Phải khẳng định rằng, thành tích tại SEA Games vừa rồi cũng giúp chúng ta có được định hướng rõ ràng để phát triển môn nào, nội dung nào là thế mạnh cần đầu tư cho đấu trường khu vực hay châu lục hoặc Olympic. Chúng ta cũng có cơ sở để xác định được rằng môn nào thì cấp trung ương, môn nào thì cấp quốc gia, ngành hoặc địa phương đầu tư để hướng tới các đấu trường Asian Games, Olympic hoặc cho mục tiêu tranh chấp HCV ở SEA Games.

Năm 2023 Asian Games sẽ được tổ chức và đến năm 2024 sẽ là Olympic Paris. Vậy trước mắt chúng ta sẽ phải làm gì để đầu tư cho các đấu trường lớn đó, thưa ông?

- Hiện chúng ta đã có kế hoạch tập trung đầu tư VĐV tham gia Asian Games 19. Tuy nhiên, Đại hội này đã được rời thời gian tổ chức từ tháng 9 năm nay sang năm sau. Hiện các đội tuyển trọng điểm vẫn đang được tập trung đầu tư để chuẩn bị cho Asian Games và chúng ta cũng sẽ tham dự SEA Games 32, tổ chức tại Campuchia vào tháng 5 năm sau. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kế hoạch tập huấn thi đấu nước ngoài cũng sẽ được đảm bảo. Trước mắt đội tuyển bơi sẽ đi tập huấn, thi đấu tại Hungary. Những VĐV trọng điểm như Huy Hoàng ở môn bơi và VĐV trọng điểm ở nhiều môn khác sẽ được tập trung đầu tư dài hạn cho mục tiêu tranh chấp huy chương tại Asian Games.

Có thể nói thành công của SEA Games 31 sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thể thao. Đây đang là thời điểm quan trọng để chúng ta tận dụng thời cơ tập trung cho mục tiêu là đấu trường Asian Games và Olympic. Muốn thực hiện được các mục tiêu này, ngoài sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta cần có sự chung tay của các nguồn lực xã hội, sự ủng hộ, góp sức của các Bộ, ngành, địa phương và người dân.

Qua đây chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí cùng nhân dân cả nước đã đồng hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 và cũng mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

 Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tập trung một số công việc trọng tâm, trọng điểm, các dự án, công trình lớn, vì vậy, đảm bảo cân đối nền kinh tế, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm đảm bảo, vị thế và hình ảnh Việt Nam trong khu vực và thế giới được nâng cao thông qua các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tổ chức thành công SEA Games 31. Kết quả đó đã tạo niềm tin cho người dân và động lực phát triển đất nước.

(Đại biểu Quốc hội LÝ THỊ LAN, Đoàn Hà Giang)

 

 Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 có những chuyển biến tích cực, GDP quý I ước tăng 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020- 2021, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, chăm lo và phát triển. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á - SEA Games 31 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế.

(Đại biểu Quốc hội ĐẶNG BÍCH NGỌC, Đoàn Hòa Bình)

 THU SÂM (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top